Trước ngày xa nơi đây, tâm trạng ai cũng thật nhiều cảm xúc. Đêm trực cuối trước khi chia tay Bệnh viện Dã chiến số 13, tạm biệt người dân TP Hồ Chí Minh để trở về Hà Nội và công việc thường ngày, ThS.BS Vũ Ngọc Linh – Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Bưu điện mới có thời gian để cảm nhận một chút về nơi này.
Khác với ngày đầu đoàn mới vào nhận nhiệm vụ cũng như rất nhiều ngày sau đó, đêm nay không còn những tiếng báo động liên tục của máy thở, tiếng monitor theo dõi bệnh nhân hay tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi… Bác sĩ Linh chia sẻ: “Sau gần 2 tháng nỗ lực cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa, hỗ trợ nhân dân vùng tâm dịch, chúng tôi rất vui và xúc động vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Có những vất vả, những nhọc nhằn có cả những giọt nước mắt, những mất mát, hy sinh…Nhưng hơn hết là có cả sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y bác sĩ với người bệnh, giữa các y bác sĩ với nhau, giữa người bệnh với người bệnh…
Trong gian khó, vất vả, hy sinh thì tình người, tình đời và triết lý nhân sinh cho đi là còn mãi vẫn hiển hiện rất rõ rệt. Nhất là những niềm vui mỗi khi các y bác sĩ và người bệnh khi chiến thắng bệnh dịch, được tiễn người bệnh ra viện trở về nhà… Tất cả sẽ là những ký ức chẳng thể phai nhoà đối với mỗi y bác sĩ chúng tôi – những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này”.
Cũng như Bác sĩ Vũ Ngọc Linh, gần 50 ngày cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương “đồng cam cộng khổ” trên “mặt trận” chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu, Bác sĩ Nguyễn Hiền Dung có thật nhiều kỷ niệm sâu sắc: “Lần đầu đặt chân đến Sài Gòn đúng như mơ ước, nhưng sự thật lại không phải như mơ.
Thương lắm Sài Gòn mùa đại dịch: cảnh vật hiu hắt, đường phố vắng tanh, sự sống mong manh… gần 50 ngày ở đây là gần 50 ngày nghiêm túc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, 50 ngày đêm vật lộn tại khu B Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid Việt Đức – Bệnh viện Dã chiến số 13; gần 50 ngày đêm trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc: buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí hoảng sợ…ngay kể cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Rồi không biết từ bao giờ mình đã quen với cảm giác ngoài trời không mưa mà trong người thì ướt đẫm bởi mồ hôi mỗi khi khoác trên người trang phục phòng hộ cá nhân. Rồi dần quen với cả những cơn đau đầu, ù tai bởi tiếng ồn của dòng oxy cao áp, của máy thở, của monitor, cả những cử chỉ ra hiệu, trao đổi của đồng đội khi không còn có thể nói to cho nhau nghe thấy…”.
Đại dịch đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người. Đó là dấu lặng buồn, nhưng chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh.
Sự ấm áp, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cộng việc, cuộc sống giữa các thầy thuốc, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 13 gồm các Bệnh viện “Việt Đức – Sản – Bưu điện” “tự lúc nào đã trở thành cái kiềng 3 chân vững chắc, cùng nhau đoàn kết, vững vàng chiến thắng đại dịch, hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn”.
Người bệnh được điều trị, chăm sóc toàn diện, mỗi một người bệnh khỏe lại và được ra viện trở về với gia đình chính là niềm vui lớn nhất đối với các y bác sĩ.
Tạm biệt các “nhà du hành vũ trụ”
Trước ngày cùng anh em trong đoàn được trở về với gia đình, điều dưỡng Trần Thị Quỳnh – Khoa Sản – Bệnh viện Bưu điện và rất nhiều thành viên trong đoàn sẽ nhớ mãi bức thư cảm ơn của người mẹ và cậu con trai trong một gia đình cả nhà nhiễm COVID-19 từng nằm điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 13:
“Mẹ ơi, nhìn các y bác sĩ ở đây như những nhà du hành vũ trụ ấy”- Đây là câu nói của cậu bé con tôi khi bước chân vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Việt Đức cùng mẹ và ông bà ngoại. Thời gian được điều trị ở đây như một thước phim mà gia đình tôi sẽ không thể nào quên. Chúng tôi được tập thể các bác sĩ, điều dưỡng nhà N9 quan tâm, chữa trị rất tận tình, chu đáo. Những hoang mang, lo lắng dường như dần biến mất mỗi ngày mà thay vào đó là sự tin tưởng, yên tâm và niềm hy vọng. Không chỉ là những phác đồ điều trị, những lần truyền nước hay những lần tiêm mỗi ngày mà đó còn là những lời thăm hỏi, động viên, sự tận tình chăm sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ từ “những nhà du hành vũ trụ”. Gia đình chúng tôi như được tiếp thêm liều thuốc tinh thần để mạnh mẽ và để chiến thắng… Cùng ngàn lời cảm ơn và sự trân quý sâu sắc từ nơi trái tim”.
Cuối thư của người mẹ ấy là những dòng nắn nót của cậu con trai: “Con là Vĩnh Khang, con xin cảm ơn các “nhà du hành vũ trụ” đã chữa trị cho gia đình con khỏi bệnh COVID. Con kính chúc cô chú khỏe mạnh, đánh bại COVID và sớm trở về trái đất ở Hà Nội”.
Tình cảm, sự trân trọng, biết ơn và tri ân sâu sắc của mẹ con bé Vĩnh Khang cùng toàn thể bệnh nhân dành cho các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 13 đã tiếp thêm niềm tin, động lực để các chiến sĩ áo trắng có thêm sức mạnh, chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Và hôm nay, khi dịch bệnh dần được đẩy lui, các chiến sĩ áo trắng đã hoàn thành nhiệm vụ, tạm biệt TP Hồ Chí Minh trở về Hà Nội với lời hẹn sớm gặp lại trong một ngày không xa để thấy Sài Gòn tươi trẻ, mạnh khỏe và bình yên như Sài Gòn vốn thế.
Sự quan tâm, động viện thường xuyên của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp ngoài Hà Nội và nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn mang đến nhiều động lực để các y bác sĩ tình nguyện vượt qua mọi khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
Điều dưỡng Lê Văn Thông, Khoa Hồi sức cấp cứu một trong 30 thành viên Đoàn y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Bưu tâm sự: “Hôm nay, chúng tôi đã thấy phố xá thực sự đông vui, tiếng cười nói ồn ào, tiếng tàu xe tấp nập, những ánh mắt lấp lánh niềm vui giữa những ánh đèn rực rỡ, rất vui vì Sài Gòn đang dần khoẻ lên….”.
Mang trong lòng ký ức của hôm nay, tạm biệt nơi này, chúng tôi đều mong thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương và Thành phố mang tên Bác sẽ trở lại như cũ lại tràn đầy sức sống, tràn đây yêu thương và chẳng kém ồn ào./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn