Từ 0h ngày 15/7, tất cả các doanh nghiệp tại TP HCM không đáp ứng được yêu cầu mới về chống dịch trong sản xuất phải tạm dừng hoạt động, trong lúc hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 xuất hiện tại các khu công nghiệp. Dịch bệnh cũng đã xâm nhập vào gần 50 công ty tại Bình Dương, Đồng Nai…
Theo đó, toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất mới không đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện chống dịch sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động.
Điều kiện 1 là doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện được “3 tại chỗ” – tức là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ”. Đây được hiểu là doanh nghiệp sẽ phải tổ chức cho toàn bộ số công nhân sản xuất tự cách ly ngay tại nhà máy.
Nếu không thể làm được điều này, thì doanh nghiệp có thêm một lựa chọn khác là tổ chức sản xuất theo nguyên tắc “1 cung đường – 2 địa điểm”, nghĩa là phải tổ chức một địa điểm bên ngoài nhà máy như khách sạn, ký túc xá… để tập trung toàn bộ số công nhân sản xuất ở đây sau giờ làm, thay vì để công nhân phân tán rải rác về nhà, chỗ trọ như bình thường, đảm bảo trong thời gian này công nhân chỉ di chuyển giữa 2 địa điểm nhà máy và chỗ ở tập trung.
Quy định mới của TP HCM nhắm trực diện đến nhóm các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp – khu chế xuất. Còn các nhóm doanh nghiệp khác như kinh doanh, vận chuyển hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động theo quy định của Chỉ thị 16.
Theo ước tính của nhiều Hiệp hội doanh nghiệp, ít nhất là 50% số doanh nghiệp sản xuất hiện nay trên địa bàn TP HCM sẽ không thể đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện mới, buộc họ phải dừng dây chuyền sản xuất từ ngày 15/7, kéo theo những lo ngại về đứt gãy chuỗi sản xuất.
Lo ngại chuỗi sản xuất bị đứt gãy
Biết thông tin quy định chống dịch mới cho sản xuất của TP HCM , Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ – Thương mại Tiến Thịnh đã lập tức kích hoạt phương án “3 tại chỗ”, vừa cách ly vừa sản xuất, nhưng chỉ đủ sức làm cho hơn 40 công nhân, tương ứng 30% số lao động hiện có để vẫn có thể tiếp tục sản xuất sau 14/7.
Nhân lực ít đi, đồng nghĩa với lượng sản phẩm làm ra ít hơn và kéo dài hơn khiến doanh nghiệp lo ngại những tác động tiêu cực.
“Nếu ai cũng chỉ giữ 30-50% lượng lao động, thì lượng hàng cũng sẽ giảm theo từ 30 – 50%, lập tức sẽ ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp. Khi TP HCM chỉ cung cấp được 30 – 50% lượng linh kiện mà cả thị trường Việt Nam đang cần, thì chắc chắn sẽ gãy chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ – Thương mại Tiến Thịnh, cho hay.
Tuy nhiên bài toán vừa cách ly, vừa sản xuất là khó hơn rất nhiều với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động. Mỗi dây chuyền phải vài trăm người, phải hoàn thành dây chuyền này mới tới cái tiếp theo. Việc vừa cân đối sản xuất, vừa phải đảm bảo chi phí ăn ở tập trung và đáp ứng yêu cầu xét nghiệm cho lượng lớn công nhân trở nên bất khả thi.
Đây là lý do khiến Công ty Pouyuen với 56.000 công nhân, đông nhất TP HCM , phải chấp nhận dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến lượng đơn hàng da giày xuất khẩu đang gia công.
“Không đáp ứng được đơn hàng cho đối tác thì chắc chắn một điều là không có chuyện các đối tác quay lại đặt đơn hàng mình, ảnh hưởng sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng rất lớn. Kể cả khi dịch đã ổn, việc hồi phục cũng sẽ rất khó khăn. Chúng ta cần hết sức lưu ý để có giải pháp căn cơ, hỗ trợ, linh hoạt cho doanh nghiệp ổn định và duy trì được hoạt động sản xuất”, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM Trần Thiên Long nhận định.
“Sau giai đoạn này, doanh nghiệp có thể sẽ bị tổn thất khá lớn lượng lao động bởi người ta về quê, rời đi, có thể sẽ không quay lại doanh nghiệp. Vì vậy có thể nói sự hy sinh của doanh nghiệp là rất lớn để phục vụ chống dịch”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM Chu Tiến Dũng cho biết.
Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cũng kiến nghị chính quyền thành phố có những linh động trong thực hiện quy định mới, như đối với các nhà máy sản xuất có văn phòng điều hành tại trung tâm thành phố vẫn được phép hoạt động để giữ vai trò điều phối. Ngoài ra các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng máy móc từ bên ngoài vào nhà máy trong thời gian tới cũng cần được duy trì để đảm bảo chất lượng sản xuất.
Chấp nhận hy sinh ngưng trệ một phần chuỗi sản xuất để chống dịch
Có thể nói với quyết định mới hiệu lực từ ngày 15/7, chính quyền TP HCM đã chấp nhận hy sinh một phần trong chuỗi sản xuất sẽ tạm ngưng trệ, đứt gãy.
Lý giải thêm về vấn đề này, tại cuộc họp báo của thành phố chiều 13/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP HCM vẫn luôn duy trì mục tiêu kép, đảm bảo vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Tuy nhiên đến lúc này, ưu tiên phòng chống dịch được đặt lên trước tiên, “đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân được đặt lên trên hết và trước hết”.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này của TP HCM là bởi chỉ trong vài ngày qua số ca nhiễm Covid-19 trong nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp – khu chế xuất có dấu hiệu tăng nhanh đáng ngại.
TP HCM đã ghi nhận gần 1.200 ca nhiễm trong khu công nghiệp: hơn 400 ca nhiễm tại 50 công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận, hơn 750 ca nhiễm ở khu công nghệ cao.
Dịch bệnh được đánh giá là đã xâm nhập hầu hết khu công nghiệp ở thành phố. Điều đáng lo ngại này cũng xảy ra ở các địa phương giáp TP HCM tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Bình Dương hay Đồng Nai.
Bình Dương cũng đã ghi nhận hơn 1.000 công nhân lao động là F0, dịch bệnh xuất hiện ở gần 50 công ty xí nghiệp. Hàng chục công ty tại Đồng Nai cũng ghi nhận ca nhiễm, trong đó một số nhà máy lượng công nhân lên đến 10.000-20.000 công nhân.
Những số liệu trên cho thấy nguy cơ dịch xâm nhập vào khu công nghiệp là khôn lường, vì đặc thù của các địa phương tập trung khu công nghiệp là có nhiều khu nhà trọ công nhân đan xen với nhà máy, ở trong và ngoài khu công nghiệp.
Để dễ hình dung tính chất phức tạp, Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương đã nói rằng: “Một doanh nghiệp có thể có công nhân ở nhiều nhà trọ khác nhau. Người lao động trong một nhà trọ có thể làm ở nhiều doanh nghiệp. Nếu lực lượng chống dịch không có cách tiếp cận đúng thì quả thật là khó lường”. Còn với các doanh nghiệp sản xuất, họ kiên trì việc thực hiện “mục tiêu kép” – vừa chống dịch, vừa sản xuất, với tinh thần “còn nước còn tát” và triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa việc đứt gãy chuỗi sản xuất.
Doanh nghiệp khu công nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Hai tuần nay, chị Uyên được công ty sắp xếp ở lại với khoảng 1.200 anh chị em công nhân khác. Lúc đầu chị còn e ngại, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh, việc ở lại nhà máy với chị Uyên là rất cần thiết.
Việc tổ chức ăn nghỉ cho cả nhà máy 1.200 công nhân khiến doanh nghiệp phát sinh không ít chi phí. Đổi lại, doanh nghiệp có thể tăng gấp đôi công suất, hoàn thành vai trò bình ổn thị trường.
“Khi công nhân ở lại công ty, công ty cũng phải hỗ trợ để tạo động lực cho người lao động yên tâm ở lại sản xuất, đáp ứng đủ sản lượng cung ứng ra thị trường”, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, TP HCM , cho biết.
Các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã nhanh chóng bố trí nơi ăn ở tại chỗ cho ít nhất 30 – 40% số nhân sự chủ chốt, đủ để đảm bảo chuỗi sản xuất không đứt gãy.
Bên cạnh phương án “3 tại chỗ”, giải pháp ứng dụng công nghệ để chủ động xét nghiệm, truy vết trong khu công nghiệp cũng đang được triển khai.
Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương cho biết đến nay đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.200 lượt doanh nghiệp để làm công tác tự lấy mẫu. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã đạt tỷ lệ xét nghiệm 100% nhân sự công ty, so với tỷ lệ yêu cầu của ngành y tế là 20%.
“Xây dựng và vận hành phần mềm quản lý công nhân trên cơ sở danh sách lao động mà doanh nghiệp báo cáo để thực hiện phục vụ cho việc truy vết kịp thời khi xuất hiện ca dương tính trong doanh nghiệp”, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Trung cho hay.
Sau quy định mạnh tay của TP HCM áp dụng từ ngày 15/7, hiện 42 doanh nghiệp, chiếm hơn 30% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp của thành phố, đã đăng ký phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. Điều này cho thấy vẫn có không ít doanh nghiệp đang kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, dù ở trong thời điểm khó khăn nhất.
Khi số ca nhiễm lên đến mức nguy cơ cao, bài toán đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất lại sẽ càng phức tạp gấp bội. Sự phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải hy sinh một phần nào đó để đảm bảo chuỗi sản xuất lớn hơn không bị đứt gãy theo. Sự phức tạp cũng đòi hỏi phía chính quyền những cách làm linh hoạt, mang tính thấu hiểu nhiều hơn để thực sự đồng thành với doanh nghiệp vượt khó.
Nguồn Người Đồng Hành