Cụ Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Dù xuất thân nghèo khó, không có học hàm học vị nào nhưng nhà nghiên cứu này vẫn sở hữu kho tàng tri thức đồ sộ với hơn 60 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, địa chí, như bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)…
Chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu văn hóa và lịch sử, cụ Tư cho biết chính tình yêu đối với lịch sử dân tộc đã khơi nguồn cảm hứng cho cụ. Từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến nay, mỗi khi có thời gian rảnh, cụ luôn tìm đến sách sử để đọc và tìm hiểu.
Ở tuổi 104, cụ Tư mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu lịch sử. Cụ khuyến khích các em nhỏ nên bắt đầu từ những câu chuyện lịch sử đơn giản hoặc tìm hiểu về cuộc đời của các danh nhân như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… để nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Năm 1985, khi TP.HCM thực hiện việc đổi tên đường, cụ Tư nhận thấy nhiều tên đường mới khá xa lạ với người dân và ngay cả với những người nghiên cứu như cụ. Từ đó, cụ bắt tay vào tìm hiểu, lặn lội qua nhiều tuyến phố, đến các trung tâm lưu trữ và bảo tàng trong suốt 10 năm để hoàn thành cuốn sách Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách sắp xếp các tên đường theo thứ tự bảng chữ cái, cung cấp thông tin chi tiết về lịch sử hình thành, tên gọi qua các thời kỳ, nguồn gốc và tiểu sử danh nhân được đặt tên cho các con đường, rất tiện lợi cho việc tra cứu.
Nhờ những đóng góp này, năm 1996, cụ Tư được TP.HCM mời làm Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường thành phố. Đặc biệt, cụ cũng là người đề xuất đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa, gắn liền với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, cụ Tư cho biết: “Thời gian làm trong hội đồng, tôi được Sở biệt phái cho 1 cán bộ để giúp với hội đồng đặt tên đường. Anh đó có xe máy, nhờ ảnh lái, hai anh em đi hết quận này đến quận kia, kể cả nội thành, ngoại thành, làm việc ủy ban các quận, huyện nghiên cứu đường nào cần đặt tên, đường nằm vị trí nào, đưa bản đồ ra quan sát. Tôi về làm dự án. Hồi đó làm phải đi thực địa chứ không phải ngồi một chỗ làm.
6 – 7 năm trong hội đồng, tôi đề xuất đặt tên gần 1.000 con đường. Sau đó hội đồng tôi đang làm giải tán, thành lập hội đồng mới. Tôi không tham gia hội đồng mới, nhưng lúc tôi nghỉ thì tôi cũng còn có một số dự án để lại. Cho nên sau khi hội đồng mới đặt tên có hầu hết là tên đường tôi đã đề xuất trong thời gian tôi ở trong hội đồng”.
Ngoài 90 tuổi, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài cho ra đời nhiều tác phẩm biên khảo quan trọng. Tiêu biểu là cuốn “Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, được cụ dày công nghiên cứu trong 20 năm, và cuốn “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ”, tác phẩm mang về cho cụ giải A Giải thưởng Sách Quốc gia khi cụ đã 98 tuổi.
Năm 2022, ở tuổi 102, cụ Nguyễn Đình Tư được Tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh với Bằng kỷ lục Việt Nam vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển văn hóa, lịch sử, và địa chí nước nhà.
Ở tuổi 104, cụ Tư tiếp tục ra mắt cuốn tự truyện “Đi qua trăm năm”, chia sẻ những chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Cụ viết: “Tôi năm nay 104 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhất là đối với dòng họ tôi. Những sự kiện trong cuộc đời hơn 100 năm của tôi tuy bình thường, nhưng chắc cũng đủ để con cháu tôi rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhìn lại chặng đường đã qua với bao kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm, tôi thấy cần ghi lại để con cháu hiểu về quê hương, về các bậc tiền bối, và biết điều gì nên tránh, điều gì nên làm, điều gì chỉ là nhất thời, và điều gì là vĩnh cửu”.